Tổng quan nội dung sách
Ngày 25/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thay thế Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 ( sửa đổi năm 2011).
Điều 1 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã quy định: Bộ luật tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.
Bộ luật Tố tụng Dân sự góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có rất nhiều quy định dẫn chiếu đến những văn bản pháp luật khác, đòi hỏi Thẩm phán, Thẩm tra viên, Luật sư, Kiểm sát viên… khi áp dụng phải tra cứu, đối chiếu mất nhiều thời gian. Nhằm tháo gỡ những khó khăn đó, Nhà xuất bản Lao động vừa xuất bản cuốn “Chỉ dẫn tra cứu, áp dụng Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015” do TS Nguyễn Thúy Hiền và ThS Tạ Đình Tuyên đồng chủ biên. TS Nguyễn Thúy Hiền là Phó Chánh án TANDTC, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp và ThS Tạ Đình Tuyên hiện là cán bộ Ban Thư ký của TANDTC, nên công trình này bảo đảm chất lượng, đầy đủ, chính xác và sát với yêu cầu thực tiễn.
Cuốn sách đăng tải đầy đủ Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, đến điều luật nào dẫn chiếu sang văn bản khác thì văn bản đó được in kèm, với bát chữ nhỏ hơn để tiện phân biệt với điều luật, nên rất dễ sử dụng.
Ví dụ, Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp quy định:
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng… Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định”.
Ngay sau đó “nguyên tắc do Bộ luật Dân sự” 2015 quy định được in kèm, với nội dung đầy đủ Điều 4. Áp dụng Bộ luật Dân sự; Điều 5. Áp dụng tập quán và Điều 6. Áp dụng tương tự pháp luật”.
Hay Điều 10 về Hòa giải trong tố tụng dân sự quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”, cuốn sách đã in kèm toàn văn Chỉ thị số 04/2017/CT-CA ngày 3/10/2017 của Chánh án TANDTC về tăng cường công tác hòa giải tại TAND.
Điều 104. Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản quy định:
“1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp. 2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.
Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản”…
“Quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản” mà điều luật dẫn chiếu, cụ thể là Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá”. Nghị định được in kèm ngay sau Điều 104.
Hay tại Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án quy định:
"Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình."
Thì tác giả đã trích chỉ dẫn là Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định trong phần thứ hai "thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sở thẩm" của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sư: (trình bày toàn bộ Điều 2 của Nghị quyết này)
Hay đối với Điều 206. Những vụ án dân sự không được hòa giải, quy định:
“1. Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
2. Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội”.
Cuốn Chỉ dẫn đã in kèm những quy định cụ thể, có liên quan đến những vụ án không được hòa giải hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” tại Tòa án của Bộ luật tố tụng Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Dân sự.
Hay đối với Điều 329. Thủ tục nhận đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm quy định:
“1. Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu dịch vụ bưu chính nơi gửi.
2. Tòa án, Viện kiểm sát chỉ thụ lý đơn đề nghị khi có đủ các nội dung quy định tại Điều 328 của Bộ luật này…
3. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân công Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định kháng nghị. Trường hợp không kháng nghị thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tự mình hoặc ủy quyền cho Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị”.
Cuốn Chỉ dẫn đã in kèm điều luật này Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC của Bộ luật Tố tụng Dân sự đã được sửa đổi bổ sung…