“Các nhóm chuyên nghiệp ưu tú đã thực hiện ‘độc quyền triệt để’ đối với các hoạt động cơ bản của con người như y tế, nông nghiệp, xây dựng và học tập, dẫn đến một ‘cuộc chiến sinh tồn’ cướp đi những kĩ năng và bí quyết quan trọng của các xã hội nông dân. Kết quả của sự phát triển kinh tế quá đà thường không phải sự hưng thịnh của con người mà là sự ‘nghèo đói được hiện đại hóa’, sự phụ thuộc và một hệ thống mất kiểm soát nơi con người trở thành những bộ phận máy móc bị hao mòn.”
Đây là nhận định của Ivan Illich, một triết gia, nhà phê bình xã hội và linh mục Công giáo người Áo từ cách đây 50 năm khi thế giới đang bước vào thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa đầy mạnh mẽ mà đến nay, dường như xã hội dường như vẫn chẳng có bao nhiêu thay đổi.
Chính bởi vậy, cuốn sách Công cụ cộng sinh – tác phẩm trình bày sự phê phán của Illich đối với xã hội công nghiệp hiện đại và đưa ra tầm nhìn về một tương lai bền vững và lấy con người làm trung tâm vẫn đem lại nhiều giá trị lâu dài có thể được áp dụng trong bối cảnh ngày nay. Công cụ cộng sinh khái quát hóa các chủ đề thể chế hóa kiến thức chuyên ngành, vai trò thống trị của giới tinh hoa kỹ trị trong xã hội công nghiệp và nhu cầu phát triển các công cụ mới để người dân bình thường lấy lại kiến thức thực tế. Illich đề xuất rằng chúng ta nên “đảo ngược cơ cấu tầng sâu của các công cụ” để “cung cấp cho mọi người các công cụ có thể đảm bảo quyền làm việc với hiệu quả cao, độc lập”.
Trong một thế giới nơi con người đang bị phụ thuộc vào các hệ thống và thể chế tập trung, lời kêu gọi trao quyền cho các cá nhân và thúc đẩy quyền tự quyết của Illich là hợp lí. Công cụ cộng sinh là một chỉ dẫn kích thích tư duy giúp chúng ta đánh giá lại các hệ thống, công nghệ và cơ cấu xã hội hiện tại, đồng thời truyền cảm hứng hướng tới một xã hội cộng sinh bền vững hơn.