Đôi lời của người dịch
Trên tay bạn là một trong những tác phẩm hay nhất và khó đọc nhất của Hamvas Béla, tác phẩm Độc thoại khải huyền.
Như chúng ta đã đọc trong tiểu sử của Hamvas Béla, năm 1948 ông bị liệt vào danh sách những thành phần trí thức nguy hiểm, bị cấm hoàn toàn các hoạt động tinh thần như viết, xuất bản tác phẩm, và không được tiếp tục làm thủ thư tại thư viện thành phố. Trước khi bị đưa đi cải tạo lao động tại các nhà máy, Hamvas Béla lấy được một chứng chỉ có nghề làm vườn, để có thể tạm lánh vào công việc này một thời gian. Từ năm 1948-1951 ông thực sự sống bằng nghề làm vườn, và trong thời gian này, phần lớn các tác phẩm quan trọng của ông được hoàn thành, trong đó có tập tiểu luận Độc thoại khải huyền.
Tập tiểu luận này của Hamvas Béla có ba phần:
Phần I. Sự im lặng (Silentium) - gồm 4 tiểu luận nhỏ:
Phần II. Biên bản bí mật (Titkos Jegyzõkönyv) - gồm 4 tiểu luận nhỏ:
Phần III. Độc giác (Unicornus) - gồm 3 phần tiểu luận nhỏ:
Thoạt nhìn tưởng chừng như ba phần của tác phẩm này không liên quan tới nhau, nhưng ai đã đọc Hamvas Béla liên tục, sẽ hiểu được sợi chỉ đỏ vô hình xuyên suốt các tác phẩm của ông: đó là nội dung đời sống tinh thần của ông, trong đó vốn kiến thức sâu rộng cộng với trí tuệ uyên bác và một đời sống trần thế bên ngoài đã trải qua tôi luyện của một kiếp sống vô cùng khó khăn, chuyển hóa thành một “tác phẩm cuộc đời” có một không hai, mang tên gọi Hamvas Béla.
Tập tiểu luận Độc thoại khải huyền là một tác phẩm vô cùng khó đọc, ngay cả với người đọc Hungary bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, bởi các tầng kiến thức triết học, tôn giáo lịch sử dày đặc mà Hamvas Béla sử dụng, nhưng may mắn làm sao, giọng văn của ông, cũng là chính con người ông, trái tim của ông, lại là một thứ ngôn ngữ vô cùng dễ hiểu, trực tiếp, đầy xúc cảm, đúng đắn, khiến người đọc cảm nhận ngay lập tức những điều ông muốn đề cập tới. Còn hiểu được đến đâu, sâu rộng đến mức nào còn tùy vào tri thức và cảm nhận của cá nhân người đọc.
Người dịch đã trải nghiệm tác phẩm khó đọc này khi dịch, nên sẽ cố gắng mô tả về từng phần của tác phẩm với mong muốn sẽ đưa cho bạn đọc một vài gợi ý để các bạn đọc hiểu dễ dàng hơn.
Phần thứ nhất: Sự im lặng (Silentium).
Trong phần này, bài tiểu luận khó nhất chính là bài tiểu luận đầu tiên: Hénoch.
Hénoch, kẻ “trên mọi đường rẽ của các chỉ dẫn lẫn mọi con đường của truyền thống đều có Hénoch đứng đó, một Matatron, kẻ gìn giữ vị trí của thế giới linh hồn, trên bậc thang cao nhất của mọi đẳng cấp, trên cả các tổng thiên thần”. Hamvas Béla không kể về thiên thần bất tử, mà nói đến lí do tại sao phải nhắc đến ngài, đó là về hành vi tiên tri của ngài đối với thời đại.
Những người không theo đạo Kitô, cũng như không hiểu biết nhiều về văn hóa châu Âu, rất khó có thể nắm được các nhân vật thần học cũng như các khái niệm mang tính chất thần học. Ngoài ra các tác phẩm triết học hiện đại phương Tây dịch ra các ngôn ngữ châu Á, kể cả khi có các chỉ dẫn, giải thích đi kèm, cũng khó làm người đọc châu Á nắm được thật sát nghĩa các thuật ngữ và khái niệm trong đó. Một trong những khái niệm làm đau đầu bạn đọc châu Á như vậy là khái niệm Chống Kitô, hay một số sách dịch là Kẻ Phản Kitô, hay Kẻ Phản Chúa.
Tôi cũng đã phải đọc thêm rất nhiều để hiểu, để nắm được nội dung khái niệm này một cách cơ bản, dù chỉ đạt tới một mức độ hiểu nào đấy. May sao, bài tiểu luận Hénoch của Hamvas Béla không bàn kĩ về khái niệm này như một khái niệm mang tính chất thần học, mà ông dùng chính vấn đề ông định nêu ra để giải thích. Đó là vấn đề đám đông hóa, sự hư hoại của chất lượng đời sống, tính chất phi cá nhân hóa của một thời đại ông gọi là thời lịch sử. Theo quan niệm của Hamvas Béla, đời sống là một quá trình cá nhân hóa cao độ trên con đường đi theo tinh thần Thượng Đế, trong những mức độ tinh thần cao nhất, một đời sống phải mang một ý nghĩa cao cả, xứng với Con người.
Nhưng trong thời lịch sử (ở đây cụ thể là thế kỉ XX, thời đại Hamvas Béla sống) tất cả các giá trị tinh thần của con người cá nhân đều bị hư hoại, mở đường cho một thế lực vô hình, phi cá nhân hiện hữu và đày đọa con người: “Thế lực Chống Kitô là một sự phi hiện thực khủng khiếp. Một sự “không-tồn tại” kinh hoàng. Chúng ta có thể nói như sau, đây là tội lỗi, hoặc: một quá trình trở thành thiếu Thượng Đế, trong hư vô, trong vũ trụ, trong tăm tối, trong sự phủ nhận và trong sự tiêu hủy. Bởi vì tội lỗi chính là cái không-tồn tại. Kẻ phạm tội là kẻ bài trừ bản thân mình khỏi sự sống cá nhân, khỏi tinh thần, khỏi hiện thực, và sau cùng khỏi Thượng Đế. Biến thành cái không-tồn tại”.
Tại sao Hamvas Béla có thể nhận diện (cái gọi là) thế lực Chống Kitô cụ thể như vậy? Bởi vì theo ông: chỉ có hiện thực duy nhất là Thượng Đế - là sự biểu hiện tinh thần thiêng liêng trong mỗi cá nhân con người - khi chỉ con người biết quyết định hành vi của mình để sống cho xứng đáng. Hiểu ra điều này, ta sẽ chia sẻ những xúc cảm đớn đau của ông khi nhìn con người cá nhân trong thời lịch sử đau đớn tuyệt vọng như thế nào: “Thế lực Chống Kitô không thể là con người, không thể đội lốt người, không thể là một nhân vật lịch sử, bởi nó chính là một sự tồn tại tiêu cực. Hãy chịu đựng sự xô đẩy nhân loại vào vòng xoáy tăm tối của hủy diệt. Hãy trở nên đau đớn, hãy trở thành con mồi! Cần thấy, đất nước của thế lực Chống Kitô đang đến, đang đến, đang đến, và đây là thứ đất nước của hư vô và ác mộng. Phi cá nhân. Phi hiện thực. Không-tồn tại. Chống Kitô là ảo ảnh của sự điên rồ tăm tối của sự không-tồn tại. Không thể gọi tên. Không thể xướng danh. Bởi vì hiện thực là sự thanh thiên bạch nhật. Và Thượng Đế là hiện thực duy nhất”.
Và tại sao thời lịch sử lại cho phép một sự phi hiện hữu như thế xuất hiện? Hamvas Béla trả lời: “tất cả, những gì đang diễn ra chỉ có thể hiểu nổi nếu chúng ta đặt giả thuyết thời đại chúng ta đang sống là giai đoạn cuối cùng của thời KHẢI HUYỀN” và ông nói rõ hơn: “Thế lực Chống Kitô không ăn năn hối cải vì nó phi cá nhân, và như vậy quyết định cá nhân cũng không có nốt. Nó sẽ không bao giờ có hình hài và cũng không bao giờ sẽ bước ra khỏi lịch sử. Nó chỉ có ngần ấy trong hiện tại và cũng chỉ có ngần ấy quyền lực, thậm chí quyền lực tối thượng hơn của nó (exousia) nằm trong việc con người phục vụ nó, cho phép nó chinh phục, cung cấp vị thế và không gian cho nó, và nằm trong việc con người trở thành phi cá nhân, phi hiện thực, trở nên tăm tối và ngu muội”.
Vậy cần làm gì với một hiện thực không phương cứu chữa như vậy? Hamvas Béla đưa hình tượng Hénoch ra như một lời tiên tri về hành vi xử thế: “bản chất của Hénoch là kết nối nhân loại thiên đường với nhân loại thời khải huyền bằng sự chuyển hóa của nhân loại”. Và: “Hénoch cho thấy một hành vi duy nhất có thể như thế nào trong thời khải huyền, một nền tảng vững như thạch đá, một sự thủy chung và ràng buộc không thể lay chuyển”. Và: “Hãy trung thành. Hãy tỉnh táo. Mi hãy đi tìm cuốn sách mà Adam đã chôn giấu. Cuốn sách, tiếng Do Thái gọi là sefer, có nghĩa là tri thức, sự tỉnh táo và một ý nghĩa. Trong thời khải huyền, trước giờ phán xử, ngày nay ngoài hành vi của Hénoch ra không còn gì là chắc chắn nữa”.
Đọc xong một trong những tiểu luận khó và hay nhất của tác phẩm, chúng ta sẽ trầm ngâm suy nghĩ, để nhận ra nếu không nhận thức về “tinh thần Phúc Âm” từ Kitô giáo đến nền văn học, văn hóa châu Âu, chúng ta sẽ không thể thưởng thức trọn vẹn các tiểu luận khác trong tập sách này.
Chúng ta sẽ hiểu tại sao Hamvas Béla viết trong tiểu luận thứ hai cũng đẹp mê hồn vì sự đau buồn hùng tráng của nó (“Một giọt từ sự đọa đày”) rằng: “Văn bản chính xác của cái năm đen tối ấy, năm năm sau tôi tìm thấy từ các nhà thần học. Tôi cần thừa nhận điều này và với từ ngữ như vậy nếu muốn chính xác, và chẳng có lí do gì để tôi không như thế. Từ các nhà thần học, và, không phải vì biết đâu có thể tìm thấy ở chỗ khác nhưng tôi đã không tìm, mà duy nhất, chỉ có thể tìm thấy ở đấy”.
Mặc dù Hamvas Béla cho biết ông không đi theo một tôn giáo nào cụ thể trong đời, vì “tôi muốn cái toàn thể” - nhưng thực chất ông là một người sống Đạo (Đạo theo khái niệm Đông Phương) và vì thế, ông hiểu rất rõ thực chất của một đời sống người cần phải được Hiện Thực hóa thành bản chất hành động ra sao. Hay nói một cách khác: nếu chưa đạt tới sự khám phá, bộc lộ và hành xử mang tính chất tôn giáo tự thân, một cá nhân con người chưa thể tự chuyển hóa, thay đổi về bản chất.
Hamvas Béla viết trong tiểu luận “Một giọt từ sự đọa đày”: “Năm đen tối là sự phá sản của sự lừa đảo. Là một ví dụ tốt, rằng giá phải trả của mọi bước tiến về phía trước là sự đau khổ. Không cái xấu nào lớn hơn sự đau khổ, một thần linh đã nói, nhưng cũng không hạnh phúc nào lớn hơn, việc hồi tưởng lại những đau khổ. Con người chỉ như vậy mới đích thực. Mức độ của đích thực phù hợp với mức độ của phúc lạc. Tôi đã uống từ sự giận dữ của Thượng Đế. Năm của Gióp. Đêm đen của linh hồn. Turba. Trí tưởng tượng (imaginacio) đen. Đốt rác. Cái chết thần bí. Có thể sâu hoắm, để cần thiết một cuộc giải phẫu như thế. Hết? Chưa hết. Vẫn còn. Nhưng tôi đã nhận ra nơi lẩn trốn của nó. Molios đã nói: Đời sống trôi qua trong sự kiềm chế bản thân lớn hơn mọi phép mầu của các thần linh”.
Trong tất cả các bài tiểu luận của phần I chúng ta sẽ thấy ông đưa ra dày đặc các khái niệm về nội dung đời sống trong thế kỉ XX đã bị hư hoại, cũng như cần phải trở thành ra sao. Hai bài tiểu luận còn lại trong phần I là những bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt trần của ngòi bút văn chương thánh thiện của Hamvas Béla, bởi vì đằng sau sự mô tả thiên nhiên như một nhà văn, luôn thấp thoáng những ý tưởng triết học cao thượng của một nhà thông thái, Hamvas Béla là như thế.
Phần I của tập tiểu luận ẩn giấu một nỗi buồn sâu sắc về thời thế của tác giả, nhưng không hề bi quan mà mở ra những chân trời mới nhận thức, hướng hành động tương lai mà chỉ một trí tuệ ưu việt, sâu sắc, giàu cảm xúc mới có thể vẽ ra một cách bi tráng như thế. Để sau đó, chúng ta bước vào phần II của tập tiểu luận, khó hơn rất nhiều so với phần I.
Phần II: Biên bản bí mật (Titkos Jegyzõkönyv) - gồm 4 tiểu luận nhỏ.
Bài tiểu luận đầu tiên “Ngày mùng 4 tháng Hai năm 1964” là một bài tiểu luận khá lí thú khi Hamvas Béla đưa ra hình ảnh: “Ở Iran nếu ai phạm tội chống lại cá nhân, cần phải đền tội bằng giết rắn. Còn nếu ai phạm tội chống lại tập thể thì cần phải đi phá các tổ kiến. Đấy là sự đền tội” và bằng cách phân tích những tập tục xưa này giải thích các vấn đề nhà nước-xã hội-cá nhân của thế kỉ XX.
Nhưng bài tiểu luận đẹp nhất của tác phẩm này chính là bài tiểu luận thứ hai - “Độc thoại khải huyền”. Như một ghi chép về quá trình phát triển của đời sống tinh thần ngay từ thời thơ bé, Hamvas Béla đã tặng chúng ta những áng văn vô cùng sâu sắc và đẹp đẽ về khát vọng tinh thần cao đẹp và đặc biệt của một con người xuất chúng. Vừa mở bài, ông đã viết: “Tôi muốn tăng cường sự tỉnh táo của mình càng nhiều càng tốt và muốn không bao giờ đánh mất nó, để vào phút chết, tôi có thể trải nghiệm sự hoàn hảo của linh hồn trong tất cả mọi diệu kì của nó” - đọc các tác phẩm khác của Hamvas Béla, chúng ta hiểu sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của ông chính là lời kêu gọi: hãy tỉnh táo!
Tỉnh táo để làm gì? Để sống cho xứng đáng là một đời sống người: “Đời sống không thể tự hiểu nổi. Bởi vì, như người xưa thường nói đặc trưng của đời sống không phải là sự tự nhiên mà là một sự biến hóa. Sống, chỉ có nghĩa chừng này: bị lắc, bị nhổ, như rễ cây bị nhổ bật, bị mất hồn, bị hành hạ, bị giằng xé bởi sự ngạc nhiên, sự sửng sốt, bởi nỗi đau và sự giày xéo, bởi niềm vui và sự kinh hãi, bởi tin tưởng và sợ hãi, bởi đau khổ và bởi cảm giác ngây ngất. Không gì chống lại bản tính hơn là đời sống. Đời sống là một ân sủng. Giờ đây tôi mới biết điều đó, khi quả thật đời sống đúng là một ân sủng. Tôi có mặt ở đây chính từ một sự nhân từ, chứ tôi không chỉ là một phẩm vật ngẫu nhiên và đặc biệt”.
Hamvas Béla tuyên bố: chỉ khi đặt tên, gọi ra tên cho một sự vật, sự việc, ta mới thoát khỏi sự phụ thuộc vào nó. Đó cũng chính là lí do tại sao ông có thể nhìn rõ từng giai đoạn chuyển hóa tinh thần của đời mình, thông qua các giấc mơ, các khát vọng từ ngây thơ đến đổ vỡ rồi chín muồi của từng giai đoạn nhận thức của đời mình.
Đọc tiểu luận “Độc thoại khải huyền”, người ta ngạc nhiên vì sự đánh giá chính xác các nội dung đời sống của ông, nói một cách khác: một lần nữa bút pháp vừa trữ tình vừa rạch ròi tỉnh táo của Hamvas Béla khiến người đọc mê mẩn vì thích thú: “Cái tôi thường xuyên ngạc nhiên là sự lớn lao đặc biệt của những suy nghĩ về bản thân, là các mức độ đáng nghĩ của sự kiêu hãnh kính trọng tự thân, những cái làm số phận tôi là một trong những số phận xứng đáng nhất, cái làm tôi thấy là lẽ tất nhiên khi cho rằng mình là một sự cao cả nhất - và vì chúng, tôi cần phải khinh bỉ một cách ngạc nhiên cái đám đông tăm tối rằng tại sao họ đáng thấy hèn hạ thế, tại sao không tự xứng đáng với chính bản thân họ hơn… Cần phải hành động trong cả một ngàn năm. Cái một ngàn năm này là khoảnh khắc đúng lúc đó diễn ra trong hiện tại. Tôi cần gieo mình vào nó. Bí ẩn của sự gieo mình vào khoảnh khắc này là: salto immortate. Sự bất tử”.
Sau bài tiểu luận đặc biệt này đến bài “Arlequin - Anh hề”. Đọc Hamvas Béla chỉ một bài tiểu luận thôi cũng đủ (để nghĩ), nhưng đọc thêm tác phẩm khác của ông nữa lại có cảm giác vẫn chưa đủ, cần phải đọc thêm nữa, bởi tư tưởng của ông nhất quán, nhưng dày đặc các tầng nhận thức. Ví dụ bài tiểu luận “Anh hề” này đã từng được trích đăng ở tập sách khác (tập 22 tiểu luận triết học), nhưng giờ đây được trả lại đúng vị trí của nó trong tác phẩm gốc này cùng với nhiều bài tiểu luận mới khác, ta sẽ vỡ lẽ thêm nhiều khía cạnh mới của nó.
Đọc bài tiểu luận này, ta ghi nhớ: “Nếu mi bắt mi chống lại tính cách của chính mình, nó sẽ trả thù. Tính cách bị lăng mạ kiểu gì cũng trả thù. Nhưng nếu cưỡng bức chống lại cái tinh thần của mi, nó không trả thù. Cái tinh thần bị lăng mạ im lặng, im lặng sâu sắc, không động đậy, không trả lời, không lên tiếng, không ra hiệu, và không trả thù. Đấy là sự trả thù của nó. Tại sao? Tại logic của tinh thần là nghịch lí. Arlequin sống trong nghịch lí này. Ở bên ngoài lịch sử, hay nói đúng hơn ở giữa trọng tâm của lịch sử. Một cách khác thường, đồng nghĩa với ý nghĩa logic nghịch lí, trong một số phận cho phép tưởng tượng ra thế nào cũng được. Không có nghiệp, hay đúng hơn là thứ nghiệp mở đối với chàng ta. Prepared for all events - Chuẩn bị cho tất cả các tình huống có thể. Ở điểm không độ, hay là ở điểm độ sôi. Tại sao? Tại logic của sự sống là nghịch lí”.
Bài tiểu luận thứ 3 trong phần II cũng rất đặc biệt và khá khó đọc. Bài “Nỗi u sầu của các tác phẩm muộn mằn” mang đầy chất thi ca và âm nhạc. Chúng ta đừng quên Hamvas Béla là một nghệ sĩ chơi đàn rất chuyên nghiệp, một nhà phê bình âm nhạc xuất sắc dù người ta chỉ gọi ông trong một từ giản dị thâu tóm mọi tài năng của ông: nhà thông thái Hungary thời hiện đại.
Trong bài tiểu luận này, thực chất Hamvas Béla nói đến giới hạn của sự hiện hữu người: tuổi già, hằn dấu ấn lên hoạt động vô hạn của con người: sự sáng tạo, tạo thành những nét riêng bất tử của các tác phẩm mà con người sáng tạo khi xế chiều, khi tuổi già đến “Phong cảnh tuổi già gần như là một khoảng trống mênh mông, ít cây, gần như chỉ có những gò đất thoải thoải, là một viễn cảnh sâu sắc đớn đau có vài ba bóng râm thưa thớt. Giản dị, đơn chiếc, như thể nghèo nàn, phi bê bối và phi hội họa. Không một tác dụng bị cất giấu nào. Không một chút kịch tính. Nhưng ở nơi thưa thớt, không tác động, gần như trống ngoác này hương vị của không khí, của vật thể khác hẳn, khiến kẻ nào bước tới nơi đây, đều im bặt một cách vô thức, rồi thì thào lên tiếng. Tại nơi đây không thể xây nhà, tạo dựng xóm làng, và tạo ra một thành phố càng không thể. Đời sống ở nơi đây khó ai có thể chịu đựng nổi. Tại nơi đây không thể hét lên và cãi vã. Và không thể có cái gì phi lí hơn một phiên chợ ở Colonus. Nơi không dành cho con người. Nơi luôn luôn cháy trong sự nóng bỏng của một sự hiện diện thường xuyên và cao hơn hẳn. Ôi! Đây là một nơi độc nhất trên thế gian! Không một sự duyên dáng, không một sự đường mật. Nơi gần như chỉ là một khoảng không trống ngoác tỉnh táo đến dã man và đơn giản đến rùng mình. Đây là phong cảnh tuổi già trong âm nhạc Colonus của Beethoven, trong các bức ảnh Colonus của Cézanne, và trong triết học của Lão Tử”.
Đọc bài tiểu luận này, chúng ta trầm ngâm về sự sâu sắc cũng như nhạy cảm của trực giác thiên tài của Hamvas Béla về tất cả các lĩnh vực trong đời sống của một cá nhân trong đời sống tinh thần của họ. Một bài tiểu luận thông qua phân tích âm nhạc, nhưng lại nói về các tác phẩm tuổi già, quả thật đây là một sáng tác hiếm hoi của Hamvas Béla: “Sự u sầu không phải là công việc của tâm trạng, không của tình cảm, không của trạng thái linh hồn, không của bệnh tật. Sự u sầu là bến đỗ cuối cùng của cái sẽ trôi qua, là giọt mật ngọt cuối cùng của cái cuối cùng của đời sống. Đây là sự ngất ngây đẹp đẽ nhất, là tri thức tận cùng. Nỗi buồn ngọt ngào này là sự quyến rũ cuối cùng của đời sống, là sự gắn bó cuối cùng của con người, là sự chắc chắn cuối cùng, và cũng là nỗi nguy hiểm cuối cùng… Sự u sầu có những viễn cảnh riêng, những giấc mơ riêng, những chấn động riêng của nó, có sự cô độc riêng, có nỗi lo sợ, sự bí ẩn, sự phân vân, sự tin tưởng riêng của nó, có vết thương riêng, niềm vui riêng và sự thất bại riêng của nó. Toàn bộ đời sống được nhúng vào thấm đẫm trong giọt mật cuối cùng. Con người biết, không còn tiếp nữa, đây là sự cuối cùng”.
Bài tiểu luận thứ tư trong phần II cũng không kém phần hấp dẫn và cũng khó đọc không kém. Bài “Python”. Ngay từ phần mở bài, Hamvas Béla đã nhắc đến đối tượng của mình: “Chủ thể thần thánh, có thể thấy ngay từ những phác họa đầu tiên, gần như ngang bằng với truyền thống, thời khải huyền và sự cứu rỗi. Ba thời kì lớn của thế gian, thời kì hoàng kim, thời lịch sử và thời chuyển hóa về cơ bản tan hòa vào với nhau. Bởi vậy nó thiêng liêng, bởi vậy nó ma quỷ độc ác (diabolikus) và bởi vậy nó con người”.
Kĩ hơn, Hamvas Béla phân tích: “Sự sống người trải qua không phải trên hai mà trên ba phương diện. Đời sống mang ba âm điệu. Các nhà siêu hình học cho rằng: con người chính là thân xác, linh hồn và tinh thần. Bởi vậy sự tồn tại có ba giai đoạn, thời hoàng kim, thời khải huyền và thời chuyển hóa. Bởi vậy con người sống trong ba thế giới, thế giới thiêng, thế giới ma quỷ và thế giới người. Bầu trời, mặt đất và thế giới bên kia”.
Trong tiểu luận “Python”, một lần nữa Hamvas Béla nhắc đến cái tên Sophia - con gái của Trời mà: “bản chất của Sophia mới là quan trọng, đây là khải tượng và là sự khám phá lớn nhất của toàn bộ lịch sử nhân loại” nhắc đến tính chất “androgen” của con người, và một lần nữa, như trong tiểu luận triết học “Minh triết thiêng liêng”, Hamvas Béla nhắc đến nàng Trinh Nữ hiện thân của đời sống tinh thần với một giọng văn nồng nhiệt tuyệt đẹp: “Sophia, Trinh Nữ, không được sinh ra cũng chẳng phải một sinh linh tạo dựng, mà là một nụ cười mê hoặc của phép thuật tạo hóa, trong sạch, thông thái, là sự hồi hộp nóng bỏng không thể tưởng tượng nổi, là một sự bồn chồn lóe sáng, là kẻ không bao giờ đầy, kẻ không thể nhìn thấy đủ và không thể sờ thấy với một niềm sùng kính giật mình, như thể một cái gì không tưởng, một ảo ảnh không cho phép, một điên rồ cấm đoán, một sự quá đà man rợ, và chỉ còn một khả năng duy nhất: hãy uống đi một cách khát khao từ bản chất của nàng, hãy uống…”.
Rồi sau đó ông nói lí do tại sao: “Ngày nay thực sự có thể gọi dạng hình sống động của Sophia là Pythia… Pythia là nữ thần của Apollo ở đền Delphon. Cách đền thiêng không xa, từ trên một cái hang nhú lên từ đất sâu thẳm, nàng ngồi trên một cái ghế có ba chân, và trong hơi nước nóng bốc lên nàng thốt ra những điều choáng váng mà chỉ những ai nhập định rồi mới hiểu. Tri thức của Pythia phải dùng đến từ “CHẠM” để hiểu. Trong sự tiếp xúc với các quyền lực. Chạm vào. Chạm vào các cảm giác, trong các tiếp xúc và trong nhận thức. Nàng là người có sự nhạy cảm để hiểu nổi các quyền lực lớn. Và đó là giá trị trong nàng”.
Hamvas Béla nhắc đến Sophia để cho chúng ta biết: “Đấy là sự tồn tại đầu tiên, khi Adam và Sophia là một, là thực thể androgen đầu tiên… Pythia là sinh linh duy nhất với tri thức không thể quên được cho thấy về bản chất chúng ta là những sinh linh androgen, chúng ta đã từng sống trực tiếp với mọi cái trên đời, và chúng ta vĩnh viễn vẫn là các sinh linh androgen và sống trực tiếp với tất cả” và trong thời kì lịch sử, nhắc đến Sophia để: “Một sinh linh chủ thể thần thánh, kẻ phải lòng người đàn bà cội nguồn, phải lòng sự Trinh Nguyên, vào Sophia, và bằng điều này chỉ dẫn ra con người cội nguồn trong bản thân nó. Đây là tri thức mà chúng ta đã quên, nhưng là thứ không thể nào quên”.
Và Hamvas Béla kết luận: “Sophia là sự hóa thân của phép mầu nhiệm của tạo hóa. Trong thân xác sống động của trí tưởng tượng. Sophia là một viễn cảnh nguyên thủy. Đầu tiên là người đàn bà, sau đó thế gian xuất hiện từ hình mẫu đàn bà. Đàn bà là một nguyên mẫu cổ. Thế gian là bản sao của họ, là hình ảnh của họ, như cái cách hình ảnh và bản sao của họ từ quyền lực tạo dựng mà ra”. Tới đây, người dịch khuyên bạn đọc hãy quay lại đọc thật kĩ ba tập Minh triết thiêng liêng của Hamvas Béla để tìm ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các tác phẩm của ông, trong đó có tập tiểu luận này.
Phần thứ III trong tập tiểu luận có tên: Độc giác (Unicornis).
Đây vẫn được gọi là phần cao trào nhất, khó nhất của tác phẩm Độc thoại khải huyền mà chúng ta đang cầm trong tay, bởi lời văn cô đọng, đẹp tuyệt trần dùng để trình bày những ý tưởng tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc. Phần III này đã từng được in riêng thành một cuốn cùng hai tập sách nhỏ của Hamvas Béla là “100 cuốn sách” và “Niềm cảm hứng”. Lần này phần Độc giác được trả về đúng bản sách gốc, đọc cùng với phần I và II của tác phẩm, chắc sẽ giúp chúng ta dễ dàng liên tưởng các vấn đề mà Hamvas Béla muốn đề cập tới.
Về phần này, chúng ta khó có thể trích dẫn bởi hình thức viết như những lời đối thoại và những ý tưởng vô cùng độc lập nhưng lại có logic chặt chẽ với nhau trong những suy tưởng tinh thần của Hamvas Béla. Mời các bạn hãy đọc thật kĩ và ngẫm nghĩ suy tưởng thật lâu, không chỉ phần III của tập sách, mà toàn bộ tác phẩm.
Thay lời kết, người dịch trích ra đây một đoạn rất đáng ghi nhớ của phần III - Độc giác: “Unicornis là con vật có một sừng. Con vật hai sừng có hai mắt, hai chân, hai giới tính, hai đặc tính. Con vật một sừng có con mắt giữa trán, một giới tính, androgen, linga, yoni, trái tim. Con vật một sừng là loài vật siêu việt trong khu rừng thiêng. Ở Trung Quốc người ta gọi nó là Kì Lân. Mẹ của Khổng Tử trước khi trở dạ sinh ra ông đã mơ thấy con kì lân. Con vật một sừng đầu tiên nhảy vọt ra từ trung tâm của trái đất. Người ta hiếm khi thấy nó. Người ta kể rằng Tyanai Apollonius một lần đã gặp nó. Moses viết: Thượng Đế đưa họ ra khỏi Ai Cập, sức mạnh của ngài như của con vật một sừng.
Một là cái không bao giờ nhắc lại. Chỉ có một lần. Duy nhất một lần. Lần đầu tiên và lần cuối cùng. Không thể nắm bắt và không thể xác định. Sự huyền bí. Người lính canh của sự im lặng là con vật một sừng lặng câm sống trong khu rừng thiêng câm lặng, trên ngưỡng của những sự bí ẩn, là sinh linh cuối cùng, là dạng hình cuối cùng của sự sống tận cùng là MỘT.
Nhưng vô ích là một và duy nhất. Nếu bạn ở bên nó, bạn biết, đây là một và toàn bộ và đây là duy nhất, là tất cả. Vô ích lần đầu tiên và lần cuối cùng. Nó luôn luôn từng có và sẽ có. Vô ích không nắm bắt được. Nó là thứ duy nhất có thể nắm bắt, nó là hiện thực, là hiện tại, là kinh nghiệm và là cái cụ thể, và ngoài nó ra chỉ còn ảo ảnh.
Vô ích nó là sự thần bí, bởi sự thần bí này có trong tôi và trong bạn, nó quấn lấy chúng ta và nó là cái chúng ta tiếp cận, cái chúng ta ăn, cái chúng ta thấy và hít vào bằng mũi của chúng ta, và vô ích nó bí mật, nó là cái ai cũng biết, và vô ích nó bị cấm, nó là cái từ đó có chúng ta. Đấy là Unicornis - con vật một sừng”.
Budapest, ngày 10/5/2024
Nguyễn Hồng Nhung
" Tôi sống trong ảo ảnh để tôi nhìn thấy hiện thực. Cái vô hình. Tôi, cái không thể nắm bắt. Tôi, chỉ một lần để trở thành tôi vĩnh viễ"
(Trích tác phẩm sắp xuất bản: Độc thoại khải huyền - Hamvas Béla, Dịch giả: Nguyễn Hồng Nhung, Nxb Tri thức)
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Công ty phát hành | NXB Tri Thức |
---|---|
Ngày xuất bản | 2024-08-20 15:59:01 |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 552 |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Dân Trí |
SKU | 6842453154239 |
aristotle socrates émile hay là về giáo dục hồ chí minh bàn về tự do chu dịch huyền giải tư tưởng hồ chí minh thần thoại sisyphus chính trị alain de botton thế giới như tôi thấy suy ngẫm cuối cùng vào buổi tối chủ nghĩa khắc kỷ zarathustra phong cách hồ chí minh lý minh tuấn năng lực tinh thần triết học cái ác một chỉ dẫn cho người bị bối rối khắc kỷ từ zeno đến marcusaurelius dịch học tinh hoa nỗi lo âu về địa vị triết học giáo dục kant zarathustra đã nói như thế nhà tư tưởng lớn nỗi lo âu về địa vị - alain de botton 60 phút adam smith trong 60 phút