Giới thiệu [Mã BMBAU50 giảm 7% đơn 99K] Sách Chuyện Đông chuyện Tây - Tập 3
Tác giả: An Chi Khổ sách: 15x23 cm Số trang: 628 trang Năm xuất bản: 2019
Tôi biết có rất nhiều người, hễ cầm đến số Kiến thức ngày nay mới ra (hay mới mượn được) là tìm đọc ngay mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của An Chi. Dĩ nhiên cũng có những người đọc trước tiên những mục khác, chẳng hạn như những người đang nóng lòng đọc phần tiếp theo của một truyện đăng nhiều kỳ đang đọc dở, nhưng có thể biết chắc rằng sau đó người ấy thế nào cũng tìm đọc “Chuyện Đông chuyện Tây”. Có một lần tôi đi photocopy một bài mà tôi viết chung với An Chi. Khi nhìn thấy tên tôi đặt cạnh tên An Chi, người thợ đứng máy ngạc nhiên hỏi tôi: “Thế ra chú quen cả đến cụ An Chi?”. Quả có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này. An Chi (cũng là Huệ Thiên, một bút danh khác do nói lái cái tên thật Thiện Hoa mà thành) chưa phải là một cụ già. Hồi bắt đầu viết cho Kiến thức ngày nay (1990), anh chỉ mới vượt qua tuổi năm mươi. Anh vốn là học sinh trường Chasseloup-Laubat ở Sài-gòn. Khi Hiệp định Genève được ký kết, anh quyết định chọn miền Bắc, và đã kịp mua vé máy bay ra Hải Phòng trước khi chấm dứt thời hạn 300 ngày, trong tay có thư giới thiệu của Đảng ủy Đặc khu (vì anh tham gia đoàn thể học sinh kháng chiến ở Sài Gòn). Nhưng anh không thấy cần tới tờ giấy này, và có lẽ đó là một trong những nguyên nhân chính của những chuyện không may của anh sau này, vì thời ấy còn có những người (tuy ít ỏi) không tin rằng có thể có những thanh niên con nhà khá giả lại đi chọn miền Bắc nếu không có ý đồ đen tối nào đó. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Trung ương (Cầu Giấy, Hà Nội), anh đi dạy cấp hai ở Thái Bình. Nhưng chỉ sáu năm sau, vì bị coi là có những tư tưởng lệch lạc, anh bị thải hồi, và vì hoàn toàn không nơi nương tựa, anh phải ở nhờ nhà một bác cấp dưỡng tốt bụng. Sau đó anh xin được làm hợp đồng trong Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo viên của tỉnh, chuyên mua than củi muối gạo cho trường, cho đến khi được Bộ Nội vụ triệu tập lên Hòa Bình học lớp chính trị của Trường 20-7 “dành cho cán bộ miền Nam vì lý do này hay lý do khác không còn trong biên chế nhà nước”. Sau đó anh trở về Hà Nội học nghề thợ nguội và thợ tiện ở Nhà máy xe đạp Thống Nhất rồi phụ trách bổ túc văn hóa tại nhà máy. Từ năm 1972, anh được chuyển đến Trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo (Vĩnh Phú). Đến khi miền Nam giải phóng, anh được chuyển vào Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh rồi Phòng Giáo dục Quận 1 làm nhiều công tác khác nhau, rồi đến 1984 anh xin về hưu non để dành hết thì giờ cho việc đọc sách và nghiên cứu những vấn đề mà anh đã quan tâm từ hai mươi năm trước, nghĩa là từ khi anh bị thải hồi.