Tác giả: Chu Đạt Quan NXB: Thế Giới Khổ sách: 15,5 x 23 cm Số trang; 158 trang Năm phát hành: 2017 Thể loại: Biên khảo Sử liệu Đơn vị phát hành: DT Books
Chân Lạp phong thổ ký của Chu Đạt Quan là một tác phẩm mà từ khi giới thiệu sang phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hầu như không ai nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Chân Lạp, cũng như về Đông Nam Á lục địa, không sử dụng và đánh giá cao giá trị tư liệu của cuốn sách. Tác phẩm này đã được nhà Thanh sưu tập và đưa vào trong hai bộ tùng thư lớn là Cổ kim đồ thư tập thành và Khâm định tứ khố toàn thư. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Chân Lạp phong thổ ký của Chu Đạt Quan bản chữ Hán có 8.500 chữ, ngoài Tổng tự, chia làm 40 đề mục. Các đề mục không ghi thứ tự nhưng sắp xếp theo trình tự như sau: 1. Thành quách; 2. Cung thất; 3. Phục sức; 4. Quan thuộc; 5. Tam giáo; 6. Nhân vật; 7. Sản phụ; 8. Con gái; 9. Nô tỳ; 10. Ngôn ngữ; 11. Dã nhân; 12. Văn tự; 13. Năm tháng ngày giờ; 14. Tranh tụng; 15. Bệnh hủi; 16. Tử vong; 17. Cày cấy; 18. Núi sông; 19. Sản phẩm; 20. Mậu dịch; 21. Muốn được hàng hóa; 22. Cỏ cây Trung Quốc; 23. Chim; 24. Thú; 25. Rau dưa; 26. Cá, bò sát; 27. Ủ rượu; 28. Muối, dấm, tương, miến; 29. Tằm tang; 30. Đồ dùng; 31. Xe kiệu; 32. Thuyền và mái chèo; 33. Thuộc quận; 34. Thôn xóm; 35. Lấy mật; 36. Việc lạ; 37. Tắm gội; 38. Lưu ngụ; 39. Quân mã; 40. Quốc chủ ra vào.
Qua các đề mục và nội dung từng đề mục, tác giả cung cấp một khối lượng thông tin tuy vắn tắt nhưng rất phong phú, đa dạng, phản ánh khá toàn diện về kiến trúc cung đình, tổ chức nhà nước, điều kiện tự nhiên cùng các sản vật, các hoạt động kinh tế, đời sống văn hóa cùng các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn tự, lịch pháp của Chân Lạp mà tác giả quan sát và ghi nhận vào những năm 1296-1297.
Về kiến trúc và đời sống cung đình: đề mục 1, 2, 6, 40.
Về tổ chức bộ máy nhà nước: đề mục 5, 33, 34, 39.
Về điều kiện tự nhiên và sản vật: đề mục 18, 19, 22, 23, 24, 25, 26.
Về các hoạt động kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và mậu dịch: đề mục 17, 20, 21, 29, 32.
Về đời sống văn hóa từ các tầng lớp xã hội, trang phục, đồ dùng, ẩm thực đến văn tự, lịch pháp, tín ngưỡng, phong tục tập quán: đề mục 3, 4, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 27, 28, 30, 31, 35, 36, 37, 38.
Chu Đạt Quan qua Chân Lạp phong thổ ký đã lưu lại một diện mạo khá toàn diện cuộc sống của vùng quốc đô nước Chân Lạp dưới vương triều Indravarman III (1295-1307). Với vốn hiểu biết sâu sắc và dưới góc nhìn của một người nước ngoài, Chu Đạt Quan để lại những miêu tả khá cụ thể và sinh động về văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người Chân Lạp, có những điều do ông quan sát trực tiếp và cũng có những điều do ông nghe kể qua các chuyện kể dân gian. Chính trong nguồn tư liệu truyền khẩu dân gian này, có những câu chuyện làm cho các nhà khoa học băn khoăn, hoài nghi về tính xác thực của nó, cho rằng hoặc có thể do tác giả nghe theo lời đồn đại không có điều kiện khảo cứu tường tận, hoặc do tác giả cường điệu tính kỳ lạ của nó, ví như chuyện “Trận thảm” trong đề mục “Con gái” (đề mục 8). Nhưng dù sao ghi lại những chuyện kể dân gian đó từ thế kỷ XIII với nhận thức của tác giả vẫn là những tư liệu có niên đại cụ thể để mai sau thẩm định. Giá trị tư liệu của tác phẩm Chân Lạp phong thổ ký là điều được mọi nhà nghiên cứu khẳng định và đánh giá cao.