Tác giả: Trầm Hương Khổ sách: 16x24 cm Số trang: 432 trang Năm xuất bản: 2018
Chuyện Năm 1968
Tập truyện ký này ra đời, với tôi có một cơ duyên sâu sắc. Rõ ràng không có gì hấp dẫn sau những trang lịch sử khô khan, những tập sách truyền thống lịch sử dày cộp, dày đặc chữ, hình ảnh hiếm hoi, nhòe. Rõ ràng, không có gì hấp dẫn sau những trang ra đời, với tôi có một cơ duyên sâu nhoẹt. Nhưng bình tâm lại, đọc kỹ, tôi bị rung cảm mãnh liệt với những câu chuyện về con người, sự kiện được ghi lại bằng đôi ba dòng lịch sử khô khan. Tôi cứ thao thức vì điều ấy. Những bi tráng anh hùng, những hy sinh tổn thất, những oan khuất, trả giá, những dao động vì tuyệt vọng.
Năm 2008, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đưa kế hoạch triển lãm chuyên đề Mậu Thân 1968. Phòng chuyên môn từ chối vì hình ảnh hiện vật về đề tài này quá ít. Tôi công tác tại phòng Tuyên truyền, nhận lãnh sứ mạng thực hiện đề cương trưng bày này, bởi nhiều năm trước đó, tôi đã âm thầm tìm lại những địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, nhân chứng Mậu Thân 1968. Tôi lao đi, chỉ có trái tim đa cảm, dũng cảm gõ từng cánh cửa. Có những cánh cửa rêu phong đóng chặt, có những cánh cửa khép hờ, có nhiều cánh cửa mở toang, hân hoan, thân thiện đón chào người trẻ đi tìm về quá khứ... Thật kỳ diệu, sự dũng cảm và chịu khó của tôi đã được đền đáp. Những trang viết được mở ra từ đời thường thầm lặng của những người còn được sống sau đêm mùa xuân đẫm máu và nước mắt. Năm ấy, hàng vạn chiến sĩ ở 5 mũi tiến quân về Sài Gòn hầu hết là những người còn rất trẻ. Và ở phân khu 6 - phân khu nội thành, đêm mùng Một Tết Mậu Thân (31.1.1968), lực lượng biệt động đồng loạt nổ súng tấn công 5 mục tiêu theo kế hoạch: Dinh Độc lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân. Do không phối hợp được với đại quân, 5 đội biệt động với tổng số 88 chiến sĩ trực tiếp chiến đấu độc lập trong sào huyệt địch.
Hầu hết các chiến sĩ đã hy sinh, lớp bị bắt, nhưng ý chí và xương máu của các anh chị đã dựng lên những tượng đài bất tử. Sau đêm ấy, người chỉ huy lực lượng biệt động Sài Gòn đắng lòng tự vấn, khi mất đi gần hết lực lượng gạo cội của biệt động, bởi hơn ai hết, ông hiểu sự công phu để có được đội quân đặc biệt ấy. Những người lính có sở trường đánh nhanh rút nhanh ấy đã chiến đấu vô cùng đơn độc khi đại quân không đến được. Chỉ sau mấy ngày bị quân đội Sài Gòn phản công, lùi ra vùng ven đô, trong cảnh đổ nát tan hoang, ông đã trải qua một cuộc tự vấn với chính mình: “Tôi, với cương vị là chỉ huy của họ, đành bất lực không làm gì được ngoài những giọt nước mắt đau đớn chảy suốt đêm tại nơi tạm làm chỉ huy sở của Tiền phương nội đô. Hôm nay, trong trạng thái lắng đọng trước cảnh vật chiến trường, tôi lại càng thấy ray rứt trước những sự việc đã xảy ra đối với đồng đội. Cảm nhận một cách thấm thía rằng, dường như mình là người có lỗi và, có lẽ những cảm nhận này sẽ theo tôi những năm tháng còn lại của cuộc đời”.
Nhiều người còn sống trở về nhớ về Mậu Thân 1968, có tâm trạng như ông. Có biết bao câu chuyện cảm động về những người tuổi trẻ trong Mậu Thân 1968. Năm ấy, anh Bảy Hôn - một trong 14 chiến sĩ biệt động đội 5 được giao nhiệm vụ tấn công vào Dinh Độc lập đã sẵn sàng dời lại ngày cưới của mình, quyết tâm có mặt trong đội quân quyết tử. Trận chiến không cân sức đã diễn ra suốt 2 ngày đêm. Anh trong số 7 người còn lại sa vào tay giặc. Sau đó là những ngày bị tra tấn tàn khốc, bị giam cầm trong nhà tù Mỹ ngụy. Anh làm cuộc vượt thoát. Ngày trở về, oái oăm thay, cô du kích Biện Thị Cưng - người vợ hứa hôn của anh vĩnh viễn không bao giờ được mặc áo cưới. Chị hy sinh trên mảnh đất Củ Chi anh hùng. Năm ấy, đội trưởng đội 5 Tô Hoài Thanh cũng còn rất trẻ. Chuẩn bị trận đánh, anh cải trang nghiên cứu mục tiêu. Trên đường phố Sài Gòn, anh gặp người vợ trẻ là nữ giao liên Võ Thị Cúc. Vợ chồng trẻ lâu ngày không gặp, bao thương nhớ, khát khao đốt cháy cõi lòng. Vậy mà gặp nhau, họ phải nén lại tình riêng. Sau phút đăm đắm nhìn chị, anh kéo sụp nón che mặt, thể như người không quen biết. Đó cũng là lần cuối cùng chị Cúc gặp anh. Năm ấy, Ngô Thanh Vân (Ba Đen) - đội trưởng đội 11 Biệt động cùng 14 chiến sĩ nhận nhiệm vụ tấn công vào mục tiêu Đại sứ quán Mỹ. Ông hứa với Cao Hoài Vinh - người chiến sĩ trẻ nhất trong đội: “Sau trận đánh này, tao sẽ cho mày lấy con Ngọc Huệ”.