Hà Nội 36 phố phường Mã sản phẩm: 8936067597172 Tác giả : Thạch Lam NXB: NXB Văn Học Kích thước : 13 x 18 cm Năm xuất bản : 2017 Số trang : 172 Khối lượng : 127 grams Bìa : bìa mềm
NỘI DUNG
ĐÔI NÉT TIỂU SỬ
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân. Ngoài tên Thạch Lam, ông còn có bút danh khác như Việt Sinh, Thiện Sỹ.
Thạch Lam sinh ngày 7-7-1910, mất ngày 23-6-1942. Quê nội ông ở làng Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam; quê ngoại: phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông là em ruột của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long). Thuở nhỏ ông sống với gia đình ở quê ngoại, sau đó theo cha chuyển đến Tân Đệ, Thái Bình. Lớn lên ông ra Hà Nội, học trường Canh nông, trường Albert Sarraut, đỗ tú tài phần thứ nhất rồi ra làm báo.
Thạch Lam bắt đầu hoạt động NXB Văn Học từ năm 1936, là thành viên quan trọng của nhóm Tự lực văn đoàn. Ông tham gia biên tập các báo Phong hóa, Ngày nay. Thạch Lam sáng tác nhiều thể loại NXB Văn Học khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký,tiểu luận, hầu như tất cả đều được đăng báo trước khi in thành sách.
Tác phẩm chính:
- Gió đầu mùa (tập truyện ngắn) - Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1937.
- Nắng trong vườn (tập truyện ngắn) - Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1938.
- Ngày mới (tiểu thuyết) - Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1939.
- Theo giòng (tập tiểu luận) - Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1941.
- Hà Nội 36 phố phường (tập ký) - Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1943.
Ngoài ra ông còn hai truyện viết cho thiếu nhi: Quyển sách và Hạt ngọc in trong Tủ sách hồng, 1940 và một số bài phóng sự, bút ký như Hà Nội ban đêm (in báo Phong hóa số 44, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 59-1933); Trẻ con lấy vợ (in báo Phong hóa số 27, tháng 12-1932); Trước Tết, Tết và sau Tết (in báo Phong hóa số 31, tháng 1-1933); Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng Giang (in báo Phong hóa, 1934).
Hà Nội 36 phố phường (Bút ký)
Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải... Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu... Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.
Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris... Trong những cuộc phiếm du, - phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có - ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.
Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác... Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi.