Khác với trước đây, lần này, nhân dịp tái bản lần thứ 25 Trọn bộ sách Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, dựa trên bản sách do Nhà Mai Lĩnh in năm 1943, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu kết quả tra cứu và tìm hiểu về công việc của Dịch giả Ngô Tất Tố, góp phần giải trình cách học Kinh Dịch”. Nói đến Kinh Dịch, nhiều thế hệ bạn đọc từ trước tới nay đều cho rằng đây là cuốn sách viết về đạo lý khó hiểu, không dễ đọc. Nếu đọc kỹ chú giải ngắn gọn của Dịch giả về Quẻ Tỉnh và Quẻ Tiết: “Tỉnh là cái giếng, là ấp làng”;“Tiết là cái dóng trên thân cây tre”, bạn đọc sẽ cảm thấy quen thuộc ngay, gần gũi ngay với Kinh Dịch mà không còn quá e ngại, quá bận tâm với áp lực và câu hỏi đâu là những đạo lý bí ẩn, cao siêu. Đọc đến Lời Kinh của hai quẻ lại càng cảm thấy không quá khó, sau khi có được ít nhiều hiểu biết ban đầu, người đọc sẽ hào hứng, thích thú tiếp tục nhập môn Dịch học. Nội dung 64 quẻ khác trong trọn bộ Kinh Dịch là mênh mông, muôn hình vạn trạng nhưng làm sao tạo được ấn tượng thanh thản, nhẹ nhàng và dễ dàng khi tiếp cận ban đầu với Kinh Dịch là điều hết sức có ý nghĩa.