"Lão Hạc" được Nam Cao viết năm 1943, là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, phản ánh hiện trạng xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng tám.
Lão Hạc là nông dân chất phác, hiền lành. Ông góa vợ và có một con trai nhưng vì quá nghèo nên không thể lấy vợ cho con. Người con trai rời bỏ quê hương để đến đồn điền cao su làm ăn. Lão Hạc ở quê kiếm sống bằng nghề làm vườn, luôn trăn trở, suy nghĩ về tương lai cho con trai. Lão Hạc có một con chó tên Vàng do con trai để lại, ông coi nó như người thân. Song, vì quá nghèo đói, không nuôi nổi nó nên ông đành bán đi. Từ đó, lão Hạc luôn dằn vặt mình là kẻ có tội, lừa một con chó. Lão sống khép kín, lủi thủi một mình, rồi tìm đến cái chết bằng bả chó để giải thoát sau những tháng ngày cùng cực, đau khổ.
Nam Cao viết về người nông dân nghèo đói, xơ xác với những thân phận bần cùng, bị chà đạp, bị hắt hủi ... không phải để bôi nhọ, khinh miệt họ, mà trái lại đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện của họ.