Giới thiệu Sách Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa (Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử cảo)
Tác giả: Cao Tự Thanh Khổ sách: 16x24 cm Số trang: 392 trang Năm xuất bản: 2020
Lời nói đầu: Từ trước Công Nguyên, người Việt cổ ở Việt Nam đã có lãnh thổ và tổ chức xã hội của mình, nhà nước sơ khai và ký ức tập thể của mình, tuy nhiên con đường trở thành một quốc gia của cộng đồng này lại là một con đường quá đỗi gian nan. Không chỉ lãnh thổ bị thôn tính, tổ chức xã hội bị tàn phá, nhà nước sơ khai bị thủ tiêu, mà cả ký ức tập thể cũng bị chia cắt, hủy diệt trở thành manh mún, tàn khuyết. Trong suốt cả ngàn năm Bắc thuộc, lịch sử của cộng đồng người Việt cổ chỉ được ghi chép bởi các sử gia Trung Hoa, mà nhiều lý do những ghi chép ấy cũng rất thiếu sót và phiến diện, nên không lạ gì mà sau khi giành được độc lập vào thế kỷ X, mặc dù có nhiều nỗ lực, chính quyền và trí thức Việt Nam thời phong kiến vẫn không thể xây dựng được bộ thông sử khả tín của Việt Nam dưới thời Bắc thuộc. Phần Tiền biên trong hai bộ thông sử quan trọng ở Việt Nam là Đại Việt Sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho thấy điều đó. Nhưng phần Chính biên của hai bộ thông sử nói trên cũng không mấy khả quan. Các sử gia từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX gặp quá nhiều trở ngại mà trước hết là chiến tranh tàn phá sử liệu. Trong mười thế kỷ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, không thế kỷ nào ở Việt Nam không có chiến tranh, cả chiến tranh với nước ngoài lẫn nội chiến hay xung đột quân sự giữa các lực lượng đối lập với nhau trong nước. Trước thế kỷ XX, cả ba trung tâm chính trị - văn hóa lớn ở Việt Nam là Thăng Long (Hà Nội), Phú Xuân - Thuận Hóa (Huế) và Gia Định (Sài Gòn) cũng không ít lần bị chiến tranh trực tiếp tàn phá. Quốc gia phong kiến Việt Nam phát triển một phần nhờ chiến tranh, nhưng sử học truyền thống Việt Nam lại thiếu sót một phần ví chiến tranh… Quyển Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa này góp phần bổ sung những thiếu sót ấy trước hết về mặt tư liệu. Chính sử Trung Hoa tức Nhị thập tứ sử (Hai mươi bốn bộ sử), gồm chính sử các triều đại ở Trung Quốc được xác định trong đời Càn Long nhà Thanh tức Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư, Tam quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Ngụy thư, Bắc Tề thư, Chu thư, Tùy thư, Nam sử, Bắc sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Cựu Ngũ đại sử, Tân Ngũ đại sử, Tống sử, Liêu sử, Kim sử, Nguyên sử, Minh sử. Đến đầu thế kỷ XX, chính quyền Trung Hoa Dân quốc chính thức thừa nhận thêm bộ Tân Nguyên sử của Kha Thiệu Mân, đưa con số chính sử lên thành hai mươi lăm bộ (Nhị thập ngũ sử). Ngoài ra còn có Thanh sử cảo do Thanh sử quán thành lập đầu thời Dân quốc tập hợp những ghi chép về lịch sử thời Thanh biên soạn, tuy không được coi là chính sử, nội dung cũng có rất nhiều sai lầm thiếu sót nhưng vẫn là một nguồn sử liệu quan trọng đã được nhiều người tham khảo và sử dụng. Quyển Lịch sử Việt Nam qua chính sử trung Hoa này giới thiệu những ghi chép có quan hệ với lịch sử Việt Nam trong bốn bộ Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Thanh sử cảo.
Về thể tài, bốn bộ sử nói trên theo khung biên soạn thống nhất của sử học truyền thống Trung Hoa, đều gồm bốn phần lớn là Bản kỷ, Chí, Biểu và Liệt truyện, trong đó những ghi chép có liên quan đến lịch sử Việt Nam chủ yếu nằm trong Bản kỷ và Liệt truyện. Trong quyển sách này, tư liệu trong mỗi bộ sử nói trên cũng đều được chia làm ba phần, phần I là truyện về Việt Nam trong Liệt truyện, phần II là những ghi chép có liên quan tới Việt Nam trong Bản kỷ, phần III là truyện về một số nhân vật Trung Quốc có liên quan tới lịch sử Việt Nam trong Liệt truyện. Riêng phần II chủ yếu là những sự kiện rời rạc được ghi chép ngắn gọn, nên quyển sách tổ chức thành những “điều” đánh số thứ tự từ 001 trở đi để người đọc tiện theo dõi. Ngoài ra quyển sách còn có hai Phụ lục. Phụ lục I là bài chế văn của vua Gia khánh phong vương cho vua Gia Long do chúng tôi phục hồi nguyên bản chữ Hán và phiên dịch, chú thích, đã công bố trên tạp chí Nghiên cứu và phát triển (Huế) số 5 (131), 2016, cũng phù hợp với nội dung của quyển sách nên đưa in lại để người đọc tiện tham khảo. Phụ lục II là bảng đối chiếu niên hiệu và năm âm – dương lịch kèm danh sách các vị vua theo miếu hiệu, giúp đối chiếu và tra cứu niên hiệu của các chính quyền ở Việt Nam và Trung Quốc. Vì nội dung sách bắt đầu từ thời Tống và dừng lại ở thời Thanh, nên bảng này bắt đầu từ năm Tống Thái tổ lên ngôi (960) và dừng lại ở Cách mạng Tân Hợi (1912). Ngoài Thanh sử cảo theo bản in lần thứ sáu của Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2003, các bản Tống sử, Nguyên sử, Minh sử mà quyển sách dung để phiên dịch và giới thiệu đều thuộc bộ Nhị thập tứ sử, bản in thu nhỏ (xúc ấn bản) của Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1997, ba bản này đều có phần hiệu khám. Các chú thích trong bản dịch do đó ngoài việc đánh số (1), (2) theo thông lệ còn có những chú thích kèm thêm dấu hoa thị, ví dụ (1*) tức có sử dụng phần hiệu khám của nguyên bản.