Nghệ An ký là một bộ sách nổi tiếng của Việt Nam, ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Sách được biên soạn vô cùng công phu, phản ánh tương đối đầy đủ về lịch sử, địa lí, nhân vật, văn thơ… của trấn Nghệ An (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh). Tác phẩm có ba chương lớn được chia theo quan niệm tam tài của Nho giáo (Thiên, Địa, Nhân): Thiên chí (ghi chép về trời), Địa chí (ghi chép về đất) và Nhân chí (ghi chép về người).
Nghệ An ký có giá trị rất lớn về mặt học thuật, là một tài liệu gốc cung cấp rất nhiều thông tin trực tiếp, đáng tin cậy cho các nhà nghiên cứu và những người say mê tìm hiểu về địa lý lịch sử Việt Nam nói chung và về vùng đất Nghệ Tĩnh nói riêng.
« Là một bộ địa lý lịch sử khá trội so với các sách địa lý lịch sử đương thời, Nghệ An ký (ghi chép về trấn Nghệ An, gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) của Bùi Dương Lịch (1757- 1828) được viết vào khoảng những năm thứ 10, 20 của thế kỷ XIX. Đây là bộ sách biên soạn công phu, có chất lượng, mặc dầu cũng có những mặt hạn chế về lịch sử hoặc về quan điểm, phương pháp. »
Viện Nghiên cứu Hán nôm.
Ý nghĩa của ảnh trên bìa sách :
Phục dựng, lấy chi tiết từ bức : Giảng học đồ. Đây là bức tranh được vẽ vào cuối thế kỷ XVIII trên giấy dó, ở đền Độc Lôi tỉnh Nghệ An, miêu tả quá trình học tập, công danh của người xưa.
TRÍCH ĐOẠN HAY
« Người Nghệ An khí chất chất phác đôn hậu, tính tình từ tốn chậm chạp không sắc sảo, cho nên làm việc gì cũng giữ cẩn thận, bền vững ít khi bị xao động bởi những lợi hại trước mắt. Song do đất có mạch từ xa kéo đến mỗi nơi một khác, mà [tính người] bẩm thụ khí đó không giống nhau. Vùng có mạch đất từ Lâm An đến, núi đẹp, sông thêm mát, cho nên con người ở đây phần nhiều tính thuần hiền lành. Vùng có mạch từ Quỳ Châu chạy đến, núi hùng vĩ, sông chảy trì trệ, cho nên, con người ở đây phần nhiều hào hùng, dũng cảm. [Riêng] Các bậc văn nhân có học vốn thường không bị ảnh hưởng bởi khí chất ấy, chỉ có võ nhân thì ai nấy đều thể hiện đúng như bẩm sinh. Đó là điều tự nó phân biệt được rõ hơn cả.»
« Văn chương người Nghệ An phần nhiều mạnh mà cứng cỏi, ít bóng bẩy (hoa lệ). Vì rằng văn chương là tiếng của lòng, khí chất [con người] như thế nên phát ra lời văn cũng như thế. Bởi vì khí chất như thế nên không chuộng những sự hoa sức [bề ngoài] và ít lấy văn chương để tự phụ. »
« Binh lính Nghệ An ngày xưa gọi là (thắng binh) khéo dùng thì đủ để trở nên vô địch trong thiên hạ. [Xét ra] Cũng không phải là họ dũng mãnh quả cảm hơn người, mà chỉ vì họ quen sự cần cù gian khổ, sợ lễ tục luật pháp, thân với người trên và liều chết, vì bậc trưởng, chỉ có thế thôi. Triều Lê khi sáng nghiệp và trung hưng, đều dùng sức quân Nghệ An, rất có hiệu quả. » Tác giả Bùi Dương Lịch Người Dịch Nguyễn Thị Thảo NXB NXB Khoa Học Xã Hội Năm XB 2018 Trọng lượng (gr) 600 Kích thước 14 x 20.5 Số trang 584 Hình thức Bìa Mềm Ngôn ngữ Sách tiếng Việt