Năm xuất bản: 2019 Số trang: 416 Khổ sách: 16 x 24 cm Đối với công dân Pháp, Việt Nam vừa gần gũi vừa xa xôi. Gần gũi, bởi vì mỗi một công dân Pháp đều đã gặp gỡ, đối thoại hoặc nghiên cứu về đất nước và những con người này - những người mà từ lâu đã không xa lạ gì nhau. Nhưng Việt Nam vẫn là một mảnh đất xa xôi. Trước hết, đất nước này xa xôi với Pháp xét về khoảng cách địa lí. Nhưng xét về thời gian, sự xa xôi ấy còn thể hiện rõ hơn qua thời kỳ thuộc địa kéo dài gần một thế kỷ kèm theo hai cuộc chiến đau thương. Cuối cùng, Việt Nam xa xôi với Pháp về mặt ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống.
Tuy nhiên, chế độ thực dân đã để lại đất nước này những dấu vết không thể phai mờ. Cuốn sách Nhà trường Pháp ở Đông Dương ra đời nhằm mục đích đánh giá những tác động lâu dài của thời kỳ thuộc địa đối với thân phận xã hội và văn hóa của các dân tộc Đông Dương. Cuốn sách này cho ta thấy rằng, hệ thống giáo dục truyền thống Nho giáo đã phát huy và tôn vinh kiến thức cũng như bằng cấp như thế nào. Hơn nữa, hệ thống giáo dục truyền thống ấy là một mảnh đất màu mỡ cho sự thăng hoa của nhiều thế hệ tri thức sau này đã biết nắm lấy những gì tinh túy nhất của hệ thống giáo dục thuộc địa để phụng sự đất nước. Cuốn sách này cũng cho phép ta hiểu được thái độ và hành vi của con người Việt Nam đối với trường học và sự nghiệp học đường.
Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu phân tích sâu về thời kỳ lịch sử bi tráng này của học đường Việt Nam. Thời gian và sự tiến triển của lịch sử cho phép chúng tôi có được một cách tiếp cận bình thản như hôm nay để hiểu được rõ hơn chân dung của những tương tác văn hóa.
Cuốn sách này sẽ hấp dẫn những ai, dù chuyên gia hay người dân, có nhu cầu hiểu rõ hơn về đất nước vừa gần gũi mà lại vừa xa xôi này. Xin được nhắc lại rằng, đất nước này là trận địa Pháp ngữ sau cùng ở châu Á.
Trịnh Văn Thảo là Giáo sư của Đại học Aix-en -Provence và là nhà nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (Viện nghiên cứu Đông - Nam Á). Ông là tác giả của nhiều công trình xã hội học lịch sử quan trọng về tri thức Việt Nam.