Giới thiệu Sách - những ngày thơ ấu và những truyện ngắn khác
"Những ngày thơ ấu" là những lời tâm sự tha thiết, thầm kín, những hồi ức của một cái "tôi" đau khổ tự trình bày cuộc đời riêng của mình lên trang giấy một cách chân thành, tin cậy (trước đó, trong văn học nước ta chưa nhiều những hồi ký như thế). Trong tập hồi ký rất xúc động này, Nguyên Hồng đã lắng nghe được những âm vang sâu lắng của tâm hồn, ghi nhận được những cảm giác tinh tế bên trong và diễn tả chúng qua những cái nhìn hồn nhiên, tươi sáng của tuổi thơ, khiến cho ta có cảm tưởng thú vị như được đưa trở về "thời thơ ấu của nhân loại".
Các truyện ngắn được giới thiệu trong ấn bản này bao gồm: Hàng cơm đêm, Hai mẹ con, Tết của tù đàn bà, Mợ du, Bố con lão đen, Người con gái, Hai dòng sữa. Các tác phẩm của Nguyên Hồng đã ghi lại được những nỗi khổ điển hình của người đàn bà Việt Nam trong những năm dài tối tăm trước Cách mạng tháng Tám... Từ cuộc đời đau khổ, nhẫn nhục của bà mẹ mình, Nguyên Hồng đã yêu thương bao nhiêu bà mẹ Việt Nam khác, đã quan tâm tha thiết đến số phận những người phụ nữ bị lễ giáo phong kiến và những lề thói khắc nghiệt của xã hội cũ vùi dập, đày đọa.
Và cũng bắt đầu từ cuộc đời một đứa bé sống cô đơn, ngơ ngác trong một gia đình tàn tạ có "một người cha và một người mẹ tính tình khác nhau, không hiểu biết, không yêu nhau và gần như khinh miệt nhau"...Sau khi người cha nghiện ngập chết ho lao, người mẹ đi bước nữa, đứa bé bị hắt hủi sống cô độc lang thang trên các vỉa hè, đường phố. "Tôi cảm thấy một cách cay chua sự trơ trọi hèn hạ của tôi, một đứa trẻ côi cút cùng khổ" (Những ngày thơ ấu). Cuốn hồi ký đầy tinh thần nhân đạo chủ nghĩa này từ năm 1938 đã làm xúc động bao nhiêu tâm hồn bạn đọc, vì "nó là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại lạc loài trong những lề lối khắc nghiệt của một gia đình sắp tàn" (Thạch Lam).
Cũng như một số nhà văn trẻ thời ấy, Nguyên Hồng đã bắt đầu cuộc đời sáng tác của mình bằng một đôi mắt xanh non, một cái nhìn tươi mới, trẻ trung.