Giới thiệu Sách - Thái Ấp - Điền Trang Thời Trần (Thế Kỷ XIII - XIV)
Sách - Thái Ấp - Điền Trang Thời Trần (Thế Kỷ XIII - XIV) Nhà xuất bản: NXB Khoa Học Xã Hội Nhà phát hành: MaiHaBooks Tác giả: Nguyễn Thị Phương Chi Ngày xuất bản: 10-2019 Số trang: 367 Kích thước: 14 x 20 cm Loại bìa: Bìa mềm Nội dung: " LỜI GIỚI THIỆU Sự tồn tại của các thái ấp - điền trang là một trong những đặc điểm nổi bật góp phấn tạo nên cơ sở kinh tế - xã hội thời Trần, một thời kỳ hiển hách trong lịch sử dân tộc với võ công ba lần kháng chiến thắng lợi chống quân xâm lược Mông - Nguyên. Nghiên cứu về kinh tế - xã hội thời Trần, cũng như các thời kỳ khác trong lịch sử dân tộc, là một trong những trọng tâm nghiên cứu của Viện Sử học. Để làm sáng rõ tình hình kinh tế - xã hội thời Trần không thể không chú ý tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển và vai trò của các thái ấp - điền trang. Đã có không ít tác giả đề cập đến chế độ điền trang - thái ấp thời Trần trong các tác phẩm của mình, như: Đào Duy Anh trong Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến đầu thế kỷ XIX, Quyển Thượng, Tập san Đại học Sư phạm Hà Nội, 1956; Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1963; Trương Hữu Quýnh trong Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI - XVIII, tập I (Thế kỷ XI - XV), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982; Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh trong Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998... Trong các tác phẩm kể trên, và cả trong những tác phẩm của nhiều tác giả không có điều kiện nêu tên ở đây, chủ yếu đề cập đến vấn đề điền trang - thái ấp từ góc độ sở hữu ruộng đất với nhiểu nhận định, đánh giá mang tính chất tổng quát. Nay, để góp phần nghiên cứu kỹ hơn thái ấp - điền trang thời Trần, Viện Sử học cho xuất bản cuốn sách Thái ấp - điền trang thời Trần (Thế kỷ XIII - XIV) của TS. Nguyễn Thị Phương Chi. Đây là công trình được biên soạn trên cơ sở Luận án Tiến sĩ Sử học của tác giả do Giáo sư Trần Quốc Vượng hướng dẫn, được bảo vệ thành công tại cơ sở đào tạo Viện Sử học, tháng 2/2001. Trong tác phẩm này, tác giả đã điểm lại khá rõ nét về tình hình xã hội Đại Việt thời Trần trên các mặt kinh tế, chính trị, tổ chức chính quyền, quân đội... Tác giả đã đưa ra được một số nội dung mới mẻ trong nghiên cứu về lịch sử thời kỳ Cổ - Trung đại khi gắn các vấn đề nông nghiệp, ruộng đất và sự tồn tại của thái ấp - điền trang thời Trần với điều kiện tự nhiên và môi trường như đất đai, sông biển... Để giúp bạn đọc hình dung cụ thể về các thái thời Trần, tác giả đã cố gắng giới thiệu tương đối kỹ càng diện mạo một số thái ấp và điền trang của các quý tộc, vương hầu và quan lại thời Trần từ đầu triều đại cho đến cuối thế kỷ XIV, như thái ấp Quắc Hương của Trần Thủ Độ, Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, Độc Lập của Trần Quang Khải, Kẻ Lầm của Trần Quang Triều, điền trang của Hoàng Hối Khanh ở Lệ Thủy (Qụảng Bình). Tác giả đã đưa ra nhiều nhận xét, đánh giá khá táo bạo về vai trò của các thái ấp - điền trang thời Trần, nêu ý nghĩa tích cực của các loại hình này trong việc kết hợp nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước thời Trần, nhất là khi cả dân tộc dồn sức chống xâm lược. Đồng thời, tác giả cũng nêu những hạn chế của chế độ thái ấp và điền trang đã gây nên tình trạng phân tán là điều mâu thuẫn với xu hướng tập quyền thời bấy giờ. Với những nội dung nêu trến, chúng tôi cho rằng dù còn một số thiếu sót khó tránh khỏi, song có thể nói đây là một cuốn sách có đóng góp trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội thời Trần. Chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc."