Giới thiệu Sách - Từ Everest Marathon Đến Chinh Phục Hồ Tây
Sách - Từ Everest Marathon Đến Chinh Phục Hồ Tây Tác giả Đốc Tờ Dẻo Nhà xuất bản NXB Thế Giới Đơn vị phát hành Cty Cổ phần Văn Hóa và Truyền Thông Sống Ngày xuất bản 04-2021 Số trang 192 Kích thước 14 x 20.5 cm Loại bìa Bìa mềm Nội dung "Cuốn sách ghi lại hành trình chinh phục Everest Marathon – một trong những giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới của tác giả Phạm Duy Cường, hay còn gọi với cái tên thân mật là Đốc tờ Dẻo. 11 ngày của cuộc hành trình – hơn 42km đường chạy, giá lạnh, oxy loãng, chấn thương, mắc kẹt… gần như là một thử thách không tưởng. Nhưng đối với Đốc tờ Dẻo, Everest Marathon mới chỉ là khởi đầu cho chuỗi marathon thực sự của cuộc đời.
Thành lập cộng đồng Run4Self – Chạy vì mình, nơi những người yêu thích chạy bộ có thể tham gia, chỉa sẻ kiến thức và đã có rất nhiều những giải chạy đã được sinh ra từ đây. Tham gia một giải chạy và hoàn thành nó đã khó, nhưng để tổ chức thành công được một giải chạy lại là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Trong Từ Everest Marathon đến Chinh phục Hồ Tây, chúng ta sẽ được chứng kiến những cuộc đua marathon này, cả dưới góc độ của một vận động viên và một nhà tổ chức; từ đó thấu hiểu những vui buồn, khó khăn và lòng trắc ẩn của tác giả trên mỗi cung đường anh đi qua.
Trích đoạn:
Điều kinh khủng nhất mà 14 người chúng tôi phải chịu đựng trong nửa tháng qua chính là việc “say núi” – sốc độ cao. Phân áp oxy giảm dần theo mỗi ngày leo: choáng, nôn mửa, mất ngủ đến mức trầm cảm. Everest hùng vĩ không hề là một ngọn núi hiền lành, tôi hiểu rõ ràng điều đó khi nhìn thấy người ta khiêng một xác người đã đông cứng đi qua ngay trước cửa lều. Và mặc dù chưa leo đến đỉnh, nhưng tôi biết rất nhiều kẻ ngông cuồng đã đến đây để rồi phải bỏ dở giấc mơ chinh phục nóc nhà thế giới của mình. Người ta nói, để chạm vào đỉnh Everest, chặng cuối cùng, nhà leo núi phải vừa đi vừa tránh những xác người đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Thế nhưng, sức cám dỗ của Everest chưa bao giờ giảm sút.
Lều được sử dụng làm toilet là lều dã chiến chuyên dụng, tách biệt hẳn so với các lều khác, nhìn xa trông giống như một bốt điện thoại công cộng, chức năng cũng tương tự nốt, đều là nơi để người ta giải tỏa nỗi lòng.
Lần đầu tiên kéo phéc-mơ-tuya của chiếc lều ấy, một cách hết sức từ từ chậm rãi (vì tay đã cóng chứ bụng thì sốt lắm rồi), tôi thực sự bị ấn tượng với “nội thất” bên trong: Rỗng không! Không có bất cứ một thiết bị nào được lắp đặt. Tất cả được áp dụng “công nghệ thân thiện với môi trường” một cách tuyệt đối. Giữa lều là một cái hố hình chữ nhật, rộng chừng 40cm, dài 50cm, sâu 60cm. Vốn là một kiến trúc sư nên tôi nhanh chóng ước lượng khá chuẩn về kích thước. Sau hố, đám đất được đào lên được giữ lại nguyên vẹn, trên đỉnh cắm một chiếc bay nhỏ đã rỉ sét."