Bao gồm 14 truyện ngắn từng được đăng trên tờ Văn học hiện đại trong suốt thập niên 60 thế kỷ 20, lần đầu xuất bản vào năm 1971 song đến nay vẫn xếp thứ 7 trong danh sách 100 tiểu thuyết Hoa ngữ tiêu biểu thế kỷ 20, Người Đài Bắc là tác phẩm giữ thứ hạng cao nhất của một nhà văn còn tại thế trong danh sách này.
Tên là Người Đài Bắc nhưng tác phẩm không viết về những con người sinh ra và lớn lên ở Đài Bắc hay tình cảm với thành phố này, mà khắc họa nhiều hơn là cuộc sống của nhóm người “ngoại tỉnh” từ Trung Quốc đại lục lưu lạc đến Đài Bắc trong thập niên 50 thế kỷ trước, vốn ngày đêm canh cánh về người thân ở đại lục, nhung nhớ những huy hoàng và vẻ vang trong quá khứ, hình thành nên một “phức cảm đại lục” hết sức đặc biệt và vô cùng sâu đậm.
“Người Đài Bắc khá quan trọng đối với tôi. Tôi cảm thấy nếu còn không viết cho mau thì những nhân vật đó, những câu chuyện đó, những phương thức sinh hoạt của người Trung Quốc đang dần dần biến mất đó sẽ lập tức trở thành quá khứ, một đi không trở lại nữa.” – Bạch Tiên Dũng
Bạch Tiên Dũng (Pai Hsien-yung)
Sinh năm 1937, nguyên quán Quế Lâm, Quảng Tây, con trai danh tướng Bạch Sùng Hy.
Tốt nghiệp khoa Ngoại văn đại học Đài Loan, thạc sĩ sáng tác văn học Writer’s Workshop đại học Iowa, Mỹ.
Là cây đại thụ trên văn đàn Hoa ngữ, ông có sự nghiệp sáng tác đồ sộ; thể loại và đề tài phong phú, đa dạng; văn phong tinh tế, hàm súc, đẹp thê lương.
Tác phẩm tiêu biểu:
- Người Đài Bắc (tập truyện ngắn)
- Khách New York (tập truyện ngắn)
- Nghiệt tử (truyện dài)
- Cây vẫn như xưa (tập tản văn)
- Du viên kinh mộng (kịch sân khấu)